12 Cách Kinh Điển Giúp Cứu Vớt Doanh Nghiệp Trong Khủng Hoảng
March 23,2020
Đây là tình trạng khẩn cấp hay đợt khủng hoảng lớn thứ ba tôi từng trải qua trong vài năm trở lại đây. Mỗi tình huống đều khác nhau, và những bài học được rút ra từ hai cuộc khủng hoảng trước đó đáng được nhắc lại. Hãy quên đi các số liệu báo cáo thông thường về Thu nhập ròng (Net Income), EBITDA, Thu nhập thông thường (Ordinary Income ) và Thu nhập hoạt động (Operating Income). Dòng tiền là chỉ số quan trọng duy nhất. – John Durkin –

Trước hết, việc cần ưu tiên là đảm bảo cuộc sống và sức khỏe của khách hàng, nhân viên, đội ngũ điều hành và cộng đồng. Điều đó đồng nghĩa đóng cửa hàng, làm việc từ xa, nghỉ phép và thay đổi cách thức làm việc. Không giống như trận động đất ở Đông Nhật Bản năm 2011 và thảm họa hạt nhân theo sau, khi đó chúng ta không có nơi nào để sơ tán. Hiện tại, bất kỳ nơi nào có vẻ an toàn hơn đều đã hoặc sẽ sớm thực hiện việc đóng cửa biên giới hoặc cách ly kéo dài. Tốt nhất nên vượt qua khủng hoảng tại nơi mà bạn và gia đình cảm thấy thoải mái nhất, đảm bảo tiếp cận được các dịch vụ cơ bản và thực hiện nó một cách an toàn nhất có thể cho đến khi khủng hoảng đi qua.
Bài học khó khăn rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008/9 là khả năng thanh khoản và huy động tiền mặt là tối quan trọng. Có những giai đoạn chúng tôi nghĩ rằng toàn hệ thống sẽ đóng băng, bao gồm cả việc không thể rút tiền mặt từ ATM và tài khoản ngân hàng. Các tổ chức tài chính được cho là những tòa tháp kiên cố thực tế lại bị vỡ nợ. Chỉ sau khi chính phủ can thiệp bằng các quỹ công thì mọi chuyện mới được giải quyết. Ví dụ điển hình nhất là Citigroup, từng vỡ nợ vào năm 2008, và chính việc bơm tiền từ quỹ công vào năm 2009 đã cứu công ty khỏi cơn ác mộng thanh khoản theo kiểu Lehman.
Vậy làm thế nào để đảm bảo thanh khoản, hay nói cách khác là có đủ tiền mặt để sống sót qua khủng hoảng? Dưới đây là 12 biện pháp kinh điển đã được chứng minh để cứu doanh nghiệp của bạn trong cơn khủng hoảng:
- Rút mọi hạn mức tín dụng cam kết. Bất kỳ doanh nghiệp nào có hạn mức tín dụng cam kết, trong đó phí cam kết đã được thanh toán và có cam kết ngân hàng theo hợp đồng, nên rút tín dụng và giữ tiền mặt cho đến khi khủng hoảng qua đi. Vì hầu hết các hạn mức này đã được thỏa thuận trong giai đoạn gần đây với mức giá cực thấp, chi phí tài chính rẻ so với rủi ro. Hầu hết các hạn mức cam kết cần phải được “dọn dẹp,” được hoàn trả trong một thời gian ngắn sau 12 tháng, vì vậy sẽ có đủ thời gian để vượt qua khủng hoảng và giải quyết việc trả nợ sau này.
- Thực hiện giảm chi phí mạnh mẽ.Giảm tối đa giải ngân tiền mặt cho các loại chi phí. Điều đó có nghĩa là giảm mạnh giá vốn hàng bán và chi phí SG&A sao cho phù hợp với thực tế của cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn. Tính toán trước chi phí là một quyết định khó khăn và đầy cảm tính nhưng là nền tảng cho sự sống còn của doanh nghiệp. Xem xét số lượng nhân viên, giảm chi phí marketing và chi phí bán hàng và loại bỏ mọi chi phí không thực sự cần thiết. Dừng việc đi lại và giải trí. Hủy bỏ các chiến dịch marketing và bán hàng, ra mắt sản phẩm mới, tổ chức sự kiện, vv cho đến khi khủng hoảng đi qua. Một bài học tôi đã kinh qua nhiều lần là giảm chi phí sâu hơn mức cần thiết ngay lập tức và sau đó xây dựng lại thay vì thực hiện một loạt các cắt giảm đột ngột. Sự sáng tạo có thể làm nên điều kỳ diệu lúc này – ví dụ, ngừng hợp đồng thuê mặt bằng, hợp đồng đối tác và các nghĩa vụ khác có thể gây ra rủi ro pháp lý, bù lại sẽ có biến chuyển tích cực về tiền mặt ngay lập tức. Việc giải quyết các nghĩa vụ của công ty có thể được thực hiện sau khi khủng hoảng kết thúc. Rủi ro về danh tiếng thì sao? – Có nguy cơ đó, nhưng rồi nó cũng sẽ bị lãng quên, và như vậy vẫn hơn là mất công ty. Hãy nhớ rằng, đó là tiền của bạn và bạn có thể quyết định cách thức và thời điểm chi tiêu.
- Giảm nhu cầu thuê mặt bằng ngay lập tức.Các chủ nhà biết sẽ có làn sóng yêu cầu giảm tiền thuê nhà. Hãy mạnh tay từ bỏ bất kỳ hợp đồng thuê nào nặng nề và rườm rà, với lý do hơp lý. Tất nhiên sẽ phải hy sinh tiền đặt cọc, nhưng như vậy vẫn hơn là phải xoay xở tiền mặt để trả tiền thuê. Hãy giải quyết các tranh chấp với chủ nhà sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống. Đối với COVID-19, điều này đã diễn ra ở Hong Kong, có lẽ là thị trường cho thuê khắc nghiệt nhất trên thế giới, với việc điều chỉnh giá thuê trên toàn thị trường.
- Tích cực điều chỉnh các khoản nợ phải trả trong điều kiện phù hợp của công ty. Trì hoãn thanh toán càng lâu càng tốt. Việc này sẽ khiến số dư tiền mặt tăng lên tức thì. Đàm phán với các đối tác kinh doanh về kế hoạch thanh toán hoặc ngày thanh toán để làm chậm quá trình thanh toán càng lâu càng tốt. Các đối tác của bạn lường trước được việc này, vì vậy hãy cứ hành động.
- Thu thập các khoản phải thu ngay lập tức. Tiền mặt về càng nhanh, số dư tiền mặt tăng càng nhanh. Tất nhiên, khách hàng sẽ từ chối thanh toán sớm, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng này, hãy đưa ra một “thỏa thuận thế kỷ” để được thanh toán ngay lập tức. Giảm giá 10%, 20%, 30%, thậm chí 50% không phải điều chưa từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng. Hãy nhớ rằng, đây là kiểu mô hình kinh doanh của những công ty tài chính “kền kền,” vì vậy điều này không hề bất thường. Hãy biến tiền của khách hàng thành tiền mặt của bạn ngay bây giờ.
- Giảm hàng tồn kho. Trì hoãn các đơn đặt hàng mới và chuyển đổi hàng tồn kho hiện có thành tiền mặt. Sẽ tồn tại rủi ro hết hàng nhưng khủng hoảng sẽ dẫn đến nhu cầu ít hơn trong một khoảng thời gian nên tác động sẽ không đáng kể. Phương pháp này đã được thử nghiệm và xác nhận đúng đắn để tăng tiền mặt. Trong những tình huống khó khăn nhất, hãy xem xét việc bán hàng tồn cho một bên thanh lý.
- Trì hoãn, cắt giảm và bỏ chi phí tài sản cố định. Trong thời gian khủng hoảng, bất kỳ công ty nào có nguồn lực hạn chế không thể sử dụng lượng tiền mặt khan hiếm cho chi phí tài sản cố định. Hãy tạm hoãn các kế hoạch, gọi tới các nhà cung cấp để trì hoãn mọi khoản thanh toán cho các chi phí tài sản cố định đã cam kết và hủy bỏ mọi dự án trong tương lai gần.
- Xác định các loại tài sản, dòng sản phẩm kinh doanh, đất đai, sở hữu trí tuệ hoặc bất cứ thứ gì có thể bán để tăng tiền mặt. Việc này sẽ đòi hỏi thời gian, một khi khủng hoảng đạt đỉnh điểm sẽ có những người vớt đáy sẵn sàng trả tiền mặt mua tài sản. Một quyết định khó khăn nhưng đánh đổi tài sản không phải cốt lõi hoặc nhàn rỗi để cứu công ty là một món hời.
- Tái cơ cấu khoản vay. Khi các ngân hàng trung ương hạ thấp lãi suất quỹ, hãy xem xét khả năng tái cơ cấu khoản vay hoặc hoán đổi nợ có tỷ lệ thay đổi cố định. Nhược điểm của phương pháp này là có khoản trả trước và các phí khác nhưng sẽ cộng gộp phí vào tiền gốc (nếu có) và nhận được khoản thanh toán thấp hơn, và tiền mặt sẽ tăng lên. Đây là chiến lược dài hạn, nhưng khi lãi suất giảm, chính sách tài chính cần được xem xét cẩn thận để chiếm lợi thế. Các ngân hàng thích tiền phí (hơn lãi) vì vậy cần chuẩn bị sẵn sàng khi khủng hoảng lắng xuống.
- Nhận tiền lãi và/hoặc kỳ thanh toán gốc. Một lựa chọn rất khó khăn nhưng có thể áp dụng nếu khủng hoảng mang tính tạm thời và doanh nghiệp đủ mạnh để chi trả sau khủng hoảng. Các ngân hàng có thể xem xét ưu tiên kì thanh toán gốc để mặc định hoặc thanh lý. Và chính phủ có thể ủy thác hoặc ủng hộ việc này trong thời kì khủng hoảng.
- Giảm hoặc trì hoãn các khoản thuế. Xem xét hình phạt với các khoản thanh toán thuế trễ và quyết định liệu phương pháp này có khả thi để bảo toàn tiền mặt hay không. Nộp tiền phạt sẽ là khoản chi phí rẻ nếu chi phí thuế là điểm quyết định công ty ra đi hay tồn tại. Chính phủ có thể miễn hình phạt sau các cuộc khủng hoảng như một cách để ổn định thị trường. Giảm thuế suất cũng có thể gia tăng tiền mặt, nhưng thường không phải là lựa chọn ngắn hạn khả thi.
- Tìm kiếm các giải pháp từ chính phủ.Trong khủng hoảng, chính phủ sẽ cung cấp một loạt các biện pháp cứu trợ như một cách để ổn định thị trường. Hãy tận dụng chúng tối đa.
Lời nhắn gửi cuối cùng của tôi là hãy sẵn sàng cho những điều không ngờ nhất. Chẳng hạn, ai có thể dự đoán vụ bê bối Madoff trước cú sốc thị trường năm 2008/9? Ai có thể nghĩ rằng bốn lò phản ứng hạt nhân sẽ đồng loạt tan chảy, phát ra bức xạ trên một khu vực rộng lớn tại Nhật Bản do hậu quả của trận động đất dưới đại dương? Đúng, có những người như Harry Markopolos đã dự đoán về Madoff, nhưng đối với 99% còn lại của thế giới, nó đến hoàn toàn bất ngờ. Và những lò phản ứng này được cho là có nhiều hệ thống dự phòng. Vì vậy, thông điệp ở đây là: hãy chuẩn bị cho những điều không ngờ và sẵn sàng đón nhận nó. Tiền mặt là vũ khí tốt nhất.